Hoạt động

CÁC HOẠT ĐỘNG CHÀO XUÂN QUÝ MÃO 2023 CỦA HỌC SINH TRƯỜNG THCS-THPT NGUYỄN TẤT THÀNH


21-01-2023

CÁC HOẠT ĐỘNG CHÀO XUÂN QUÝ MÃO 2023 CỦA HỌC SINH TRƯỜNG THCS-THPT NGUYỄN TẤT THÀNH

Trong không khí tưng bừng chuẩn bị đón Xuân Quý Mão 2023, thày và trò trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành đã có nhiều hoạt động ý nghĩa để mừng năm mới và ôn lại truyền thống về ngày Tết cổ truyền của dân tộc như tham dự các hoạt động tại Bảo tàng Hà Nam, Tổ chức hội chợ Xuân online với nhiều gian hàng thuộc dự án Kinh doanh cho học sinh, Tổ chức các buổi trình bày dự án và các bài tập lớn có chủ đề về mùa xuân, quê hương và gia đình bằng tiếng Anh và  tiếng Việt, cũng như đẩy mạnh phong trào Trường xanh – Lớp sạch,

 Về các hoạt động trải nghiệm tập thể của tập thể học sinh nhà trường, sáng ngày 12 tháng 1 năm 2023, thầy và trò trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành đã vinh dự được tham gia buổi tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề: “Tết Mậu Thân 1968 – Dấu ấn lịch sử” và “Hội Báo xuân Quý Mão 2023” cùng các hoạt động trải nghiệm văn hóa dân gian của dân tộc tại Bảo tàng tỉnh Hà Nam. Đây là một động trải nghiệm thú vị, hấp dẫn thu hút được sự tham gia và hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các bạn học sinh.

Trong buổi khai mạc, không chỉ được theo dõi những tiết mục văn nghệ đặc sắc, các em học sinh còn được tham gia vào nhiều trò chơi truyền thống: ô ăn quan, nhảy sạp, phiên chợ quê,...

Đặc biệt hoạt động trải nghiệm viết thư pháp thu hút được đông đảo các bạn học sinh tham gia với tâm thế thích thú. Những nét bút mềm mại, uyển chuyển, những nụ cười rạng rỡ trên môi chính là thành quả cho một buổi học tập trải nghiệm tích cực của mỗi học sinh.


Có thể nói, đây cũng chính là dịp để các em học sinh có cơ hội được ôn lại những trang sử vẻ vang của dân tộc, bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước, trân trọng và giữ gìn những nét truyền thống văn hóa tốt đẹp.

Các hoạt động do các tổ, nhóm chuyên môn phụ trách cũng hoạt động hết sức sôi nổi trong thời gian này. Khi áp lực thi cử cuối kì đã đi qua, các bạn học sinh Nguyễn Tất Thành được hòa mình trong không khí vừa học vừa áp dụng vào thực tiễn hết sức hứu ích. Khởi động từ ngày 09/01/2023, dự án Kinh doanh cho học sinh đã thu hút sự tham gia của học sinh tất cả các khối lớp. Các bạn học sinh dưới sự hướng dẫn của các thày cô tổ Toán- Tin đã khai trương các gian hàng online phục vụ cho Hội chợ Xuân yêu thương 2023. Các doanh nhân nhí đã ngay lập tức lên kế hoạch kinh doanh, tìm hiểu thị trường, xác định khách hàng, dự toán ngân sách, chọn nguồn nguyên liệu và tiến hành đưa sản phẩm đến tay khách hàng. Dự án kéo dài đến tháng 4 nhưng các doanh nghiệp lớp học đã rộn ràng khởi động ngay từ những ngày cuối năm, ngay bên đường biên trong những buổi thi đấu bóng đá hay sổi nổi trên các trang mạng xã hội hoặc phố đi bộ các tối thứ 7. Dưới đây là một số hình ảnh ấn tượng về hoạt động học tập đi đôi với hành động này của các bạn học sinh Nguyễn Tất Thành.

Tổ Tiếng Anh cũng tưng bừng không kém với các giờ thuyết trình, những buổi báo cáo sản phẩm (showtime và showcase) hoành tráng với các áp phích (poster), video trình chiếu và các đoạn phim được dàn dựng và biên tập công phu.  Ngoài các chủ điểm liên quan đến các Unit trong chương trình học, chủ đề chào đón Xuân sang, Tết đến được các bạn học sinh Nguyễn Tất Thành đặc biệt lựa chọn để đưa ra trình bày trước thày cô và bạn bè cùng lớp cũng như chia sẻ trên fanpage của Câu lạc bộ tiếng Anh.

Các bạn học sinh lớp 12 thì chau chuốt cho các bài nói về các dân tộc thiểu số của Việt Nam cũng như các tập quán đón năm mới của đồng bào.

Còn các bạn học sinh lớp 6A thể hiện sự hiểu biết thông qua tìm hiểu các tài liệu về ngày tết của dân tộc, sau đó tự thuật lại bằng ý hiểu của mình. Các bạn không chỉ thể hiện sự chủ động tìm kiếm thông tin và khả năng phối hợp làm việc nhóm chỉn chu, nghiêm túc mà còn bộc lộ được khả năng minh họa, thiết kế và trình bày đồ họa hết sức chuyên nghiệp của mình.

Các học sinh lớp 9A thì biến các sản phẩm dự án thành vật phẩm để có thể làm quà tặng hoặc vật phẩm để đấu giá online. Các tập tờ rơi về các thành phố, địa danh đáng đến thăm hoặc có các đặc điểm văn hóa thú vị đã được các bạn thiết kế thành các brochure sinh động và đẹp mắt:

Chắc chắn là sau các giờ học thực hành này, các bạn có thể tự tin sử dụng nhiều phương tiện âm thanh, hình ảnh, mạng xã hội và các hình thức giao tiếp trực tiếp, trực tuyến, bằng lời, bằng hình ảnh, bằng đồ họa để có thể tự tin thể hiện bản thân mình trước đám đông, người xa lạ và thậm chí cả bạn bè quốc tế.

Cũng không kém phần rực rỡ là tổ Ngữ văn với các chuyên đề học tập liên khối lớp, không chỉ giúp học sinh thể hiện kiến thức đã được học mà còn kết nối học sinh của các lớp học khác nhau cùng tạo ra những góc Tết, góc xưa hết sức thuần Việt và mang đậm màu sắc dân tộc. Qua các hoạt động đó, các bạn học sinh không chỉ thêm yêu trường, lớp mà còn yêu quý và trân trọng hơn bản sắc văn hóa truyền thống cũng như thêm tự hào về các giá trị gia đình và dân tộc. Bởi vì các bạn ấy đã có những dòng cảm xúc như dưới đây.

Tết Nguyên Đán là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Việt. Tết đến xuân về không chỉ là niềm khao khát của biết bao đứa trẻ để được xúng xính quần áo mới, được ăn bánh mứt và nhất là được nhận lì xì mà nó còn mang một ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Đó là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây; còn thể hiện sự gắn kết trong cộng đồng, gia tộc và gia đình. Tết Nguyên đán còn là dịp để hướng về cội nguồn. Đó là giá trị tâm linh, cũng là giá trị tình cảm sâu sắc của người Việt, trở thành truyền thống tốt đẹp.

Tết Nguyên Đán - hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay đơn giản là: Tết. “Tết” là cách đọc âm Hán - Việt của chữ “tiết”. Hai chữ "Nguyên Đán" có gốc chữ Hán: "Nguyên" có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và "Đán" là buổi sáng sớm. Cho nên đọc đúng phiên âm phải là "Tiết Nguyên Đán". Tết Nguyên Đán được người Việt Nam gọi với cái tên rất thân thương "Tết Ta", là để phân biệt với "Tết Tây" (Tết Dương lịch).

Tết Nguyên Đán của Việt Nam được tính theo Âm lịch. Vì Âm lịch là lịch theo chu kỳ vận hành của mặt trăng nên Tết Nguyên Đán muộn hơn Tết Dương lịch. Do quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên Đán không bao giờ trước ngày 21 tháng 1 Dương lịch và sau ngày 19 tháng 2 Dương lịch mà thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương lịch. Toàn bộ dịp Tết Nguyên Đán hàng năm thường kéo dài trong khoảng 7 đến 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới (23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng).

Với người Việt Nam, Tết Nguyên Đán không chỉ là khoảng thời gian chuyển giao giữa năm cũ và năm mới Âm lịch mà nó còn chứa đựng nhiều ý nghĩa tâm linh, văn hóa,... Theo quan niệm phương Đông, đây là khoảng thời gian trời đất có sự giao hòa và con người trở nên gần với thần linh.

Tết Nguyên Đán xưa là dịp để người nông dân bày tỏ lòng thành kính đến các vị thần linh như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước, thần Mặt trời,... và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. 

Bên cạnh đó, đây còn được coi là ngày “làm mới”, ngày để mọi người có thể hy vọng vào một năm mới an lành, sung túc, thuận lợi trong cả năm và gác lại mọi điều không may mắn trong năm cũ. Do vậy, vào dịp Tết, nhà nào cũng tất bật dọn dẹp, sắm sửa, trang hoàng nhà cửa cho thật đẹp

Và không chỉ tích cực thực hiện phong trào trường Xanh lớp Sạch do tổ Đoàn Đội khởi xướng trong các giờ sinh hoạt lớp mà các bạn học sinh Nguyễn Tất Thành trong những ngày giáp tết cũng cũng vẫn dành thời gian chăm chút, chỉnh trang các bồn cây, tưới hoa, tỉa lá để tạo cảnh quan xanh, sạch đẹp nô nức đón xuân về.

Và tất cả những hoạt động náo nức ấy đều hướng về đón chào một mùa Xuân mới sắp sang của những niềm vui và thành công mới.

HAPPY NEW YEAR TO EVERYONE.

Người đăng:Nguyễn Thị Thanh Thủy
21-01-2023
Các bài viết cùng chuyên mục