Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học là hoạt động sinh hoạt chuyên môn mà ở đó giáo viên tập trung phân tích các vấn đề liên quan đến hoạt động học của học sinh để từ đó giáo viên cần điều chỉnh về hình thức tổ chức, tương tác với các đối tượng trong dạy học để đạt mục tiêu đặt ra. Ý thức được vai trò quan trọng của sinh hoạt chuyên môn trong nhà trường, BGH và đội ngũ giáo viên trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành tiếp tục xây dựng kế hoạch và triển khai chuỗi hoạt động nhằm nâng cao chất lượng quản lý - giáo dục học sinh, góp phần khẳng định uy tín, thương hiệu nhà trường đồng thời mang đến cho học sinh những trải nghiệm học tập thú vị, bổ ích.
Thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 – 2022 của Sở GD&ĐT Hà Nam cũng như kế hoạch năm học của nhà trường, hướng tới mục tiêu đẩy mạnh và nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ chuyên môn tại nhà trường, tạo điều kiện để giáo viên giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ đó đẩy mạnh hoạt động đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học, đẩy mạnh sử dụng các kĩ thuật dạy học tích cực vào giảng dạy, trường THCS &THPT Nguyễn Tất Thành tổ chức Chương trình Hội thảo – Tập huấn: “Tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học”.
Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học là hoạt động sinh hoạt chuyên môn mà ở đó giáo viên tập trung phân tích các vấn đề liên quan đến hoạt động học của học sinh như việc học sinh học như thế nào, gặp khó khăn gì, kết qủa học tập cải thiện ra sao, các em có hứng thú tham gia vào quá trình học tập thế nào, từ đó giáo viên cần điều chỉnh về hình thức tổ chức, tương tác các đối tượng trong dạy học như thế nào để đạt mục tiêu. Thông qua Sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học, mỗi cá nhân giáo viên được tạo điều kiện nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm, phát huy khả năng sáng tạo trong dạy học thông qua hoạt động dự giờ, trao đổi, thảo luận, chia sẻ sau khi dự giờ dạy minh họa; rèn luyện một số kỹ năng cho giáo viên.
Chương trình Hội thảo – tập huấn về Tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng Nghiên cứu bài học với GV, CBQL do trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành tổ chức bao gồm các nội dung: Nghiên cứu, trao đổi trong tổ CM về quy trình thực hiện SHCM theo hướng nghiên cứu bài học; Thực hiện giờ dạy minh họa cấp trường; Trao đổi, thảo luận, rút kinh nghiệm để triển khai đồng đều ở các tổ CM trong nhà trường. Điểm đặc biệt của Hội thảo là hoạt động không diễn ra trong một buổi Hội thảo mà được xây dựng thành lộ trình gồm chuỗi hoạt động nhằm đảm bảo công tác tập huấn, trao đổi, thảo luận diễn ra một cách bài bản, hiệu quả và chất lượng. Chương trình có sự tham vấn của đội ngũ chuyên gia đến từ trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành – Hà Nội như TS. Nguyễn TS. Thị Thu Anh, Hiệu trưởng nhà trường – một người rất tâm huyết và trăn trở với SHCM theo hướng NCBH ngày từ khi đây mới chỉ là khái niệm hoàn toàn mới ở Việt Nam. Cùng với đó là sự tham gia của hai cô giáo tổ trưởng chuyên môn giàu kinh nghiệm PGS. TS. Trịnh Thị Lan, tổ trưởng tổ Ngữ văn và TS. Lê Thị Thu, tổ trưởng tổ Lịch sử. Sau khi xây dựng kế hoạch, các tổ chuyên môn của hai trường (THCS&THPT Nguyễn Tất Thành - Hà Nam và THCS&THPT Nguyễn Tất Thành - Hà Nội) đã tổ chức họp trực tuyến để trao đổi về cách thức thực hiện cũng như thảo luận, góp ý cho kế hoạch dạy học của bài dạy minh họa.
Nằm trong kế hoạch Hội thảo – tập huấn, sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học, tổ Ngữ văn được giao nhiệm vụ thực hiện giờ dạy minh họa cấp trường. Cô giáo Trần Thị Huyền Trang – Tổ trưởng tổ Ngữ văn cùng các đồng chí giáo viên trong tổ đã lựa chọn bài “Ông đồ” thuộc chương trình Ngữ văn lớp 8, cả tổ đã cùng xây dựng kế hoạch bài dạy, trao đổi thảo luận để tìm ra những phương án triển khai hợp lý nhất nhằm phát huy năng lực, sự tích cực của học sinh.
Sau khi thống nhất ngày kế hoạch bài dạy, chiều ngày 19 tháng 1 năm 2022, cô giáo Đỗ Cẩm Tú là người trực tiếp thực hiện giờ dạy minh họa với đối tượng là học sinh lớp 8C. Hoạt động này thu hút sự tham gia theo dõi, quan sát của đội ngũ chuyên gia cũng như toàn thể ban giam hiệu, giáo viên trong nhà trường. Thực hiện đúng tinh thần và nguyên tắc khi dự giờ, quan sát hoạt động của học sinh, các thầy cô giáo đã ghi lại những phản ứng, tương tác của học sinh khi tham gia các hoạt động học tập qua hình ảnh và ghi chép cá nhân.
Sau giờ dạy minh họa, Tổ Ngữ văn thực hiện họp tổ, thảo luận, phân tích “hoạt động học” của học sinh cùng với sự tham gia, góp ý từ đội ngũ chuyên gia. Thông qua các hoạt động học được thực hiện trong bài học, HS sẽ được thực hiện các “hoạt động học” nào trong bài học? Những “biểu hiện cụ thể” của những phẩm chất, năng lực nào có thể được hình thành, phát triển cho HS? HS được sử dụng những thiết bị dạy học/ học liệu nào? HS sử dụng thiết bị dạy học/ học liệu như thế nào để hình thành kiến thức mới? Sản phẩm học tập mà HS phải hoàn thành trong hoạt động để hình thành kiến thức mới là gì? GV cần nhận xét đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện hoạt động luyện tập/ vận dụng kiến thức mới của học sinh? ...Thông qua tiết dạy minh họa, thông qua thảo luận phân tích tiết dạy của đồng nghiệp, cô Đỗ Cẩm Tú cũng như các giáo viên tổ Ngữ văn tự rút ra những bài học kinh nghiệm cho bản thân, kiểm nghiệm những vấn đề đã được dự giờ và thảo luận, áp dụng vào bài giảng hàng ngày trên lớp. Đặc biệt, tất cả các thầy cô giáo trong nhà trường đều cảm thấy rất hứng thú và thu nhận được nhiều trải nghiệm bổ ích với cách làm việc chuyên nghiệp, thực tế, hiệu quả của đội ngũ chuyên gia.
Nối tiếp hoạt động dạy minh họa của tổ Ngữ văn, ngay trong tuần học đầu tiên của học sinh sau Tết Nguyên đán, với tinh thần và khí thế mới, các tổ Toán, tổ KHTN, tổ tiếng Anh và tổ Nghê thuật – TDTT cũng đồng loạt thực hiện sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học theo đúng quy trình 4 bước, tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi, góp phần nâng cao chất lượng SHCM trong nhà trường.
Có thể nói, sinh hoạt chuyên môn dựa trên NCBH là một mô hình bồi dưỡng, phát triển chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, bởi những lợi ích to lớn mà nó mang lại cho những người tham gia, thúc đẩy duy trì sự hợp tác giữa các giáo viên trong tổ chuyên môn, giúp các thầy cô phát triển kĩ năng làm việc nhóm, tinh thần đoàn kết trong nhà trường. Đây là một hoạt động bổ ích giúp chất lượng dạy học của nhà trường ngày một nâng cao. Trong thời gian tới, trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành sẽ tổ chức nhiều hơn nữa các cuộc Hội thảo – Tập huấn nâng cao chuyên môn để nhà trường ngày càng phát triển vững mạnh.
Tác giả: Đỗ Cẩm Tú (GV tổ Ngữ văn)
Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy, PHT trình bày mục tiêu, chương trình của Hội thảo
Tiết dạy minh họa, bài "Ông đồ" tại lớp 8C, do cô Đỗ Cẩm Tú thực hiện
Các bạn học sinh tích cực thực hiện các nhiệm vụ học tập
Tổ Ngữ văn cùng các chuyên gia trao đổi, thảo luận phân tích hoạt động học của học sinh sau giờ dạy
PGS. TS. Trịnh Thị Lan phân tích các hoạt động cũng như sự tương tác của học sinh trong tiết dạy
TS. Nguyễn Thị Thu Anh chia sẻ về cách thức thực hiện SHCM dựa trên NCBH tại trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành - Hà Nội
Đội ngũ chuyên gia của trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành - Hà Nội chụp ảnh kỉ niệm cùng CBGV nhà trường
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Thư thực hiện giờ dạy minh họa của tổ Toán
BGH và giáo viên tổ Toán quan sát hoạt động học của học sinh
Trao đổi thảo luận sau giờ dạy
Hoạt động học tập của học sinh được phân tích kĩ lưỡng nhằm rút ra kinh nghiệm cho các giờ dạy tiếp theo
Niềm vui của thầy cô và học trò sau giờ học sôi nổi, bổ ích