Trải nghiệm sáng tạo vốn không còn là một khái niệm xa lạ trong nhà trường phổ thông hiện nay, đặc biệt là khi vấn đề học tập thông qua hình thức trải nghiệm đã và đang được Bộ GD&ĐT chú trọng, nhấn mạnh. Tuy nhiên, việc lựa chọn nội dung trải nghiệm đáp ứng được các mục tiêu giáo dục cũng như thu hút sự thích thú tham gia của học sinh, xây dựng được kế hoạch trải nghiệm khoa học, hiệu quả, bổ ích lại là một thách thức không nhỏ. Thách thức đó đã trở thành động lực để các giáo viên tổ Ngữ văn trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành cùng toàn thể các em học sinh tổ chức thành công cuộc hành trình “Tìm về nguồn cội dân gian” vào ngày 4 tháng 11 vừa qua.
Năm học 2018 – 2019 là năm học đầu tiên trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành đi vào hoạt động. Tất cả những bỡ ngỡ ban đầu dường như đều đã dừng chân ngoài cửa lớp, để những bài giảng được tỏa bừng sức sống từ nhiệt huyết, đam mê và tình yêu dành cho văn học. Với cả khối 6 và khối 10, ngay ở những bài học đầu tiên, học sinh được thưởng thức và khám phá vẻ đẹp của những tác phẩm văn học dân gian, những câu chuyện được viết nên từ trí tưởng tượng và tình yêu cuộc sống của nhân dân lao động. Bằng nhiều hoạt động đa dạng, độc đáo, mới lạ, các cô giáo đã mang đến một diện mạo khác cho môn Văn, khiến học sinh biết yêu văn học, yêu những giá trị không thể nào phủ nhận hay thay thế của văn chương cũng như giá trị trường tồn của văn học dân gian. Và hành trình trải nghiệm tại Thành Cổ Loa - Đền Gióng, nằm trong chuỗi hoạt động “Tìm về nguồn cội dân gian” là một điểm nhấn vô cùng đặc biệt trên chặng đường học tập môn Ngữ văn của học sinh trường Nguyễn Tất Thành.
Không phải ngẫu nhiên mà hai địa điểm trên được tổ Ngữ văn lựa chọn để đưa vào hành trình khám phá. Đây chính là hai di tích lịch sử gắn liền với những truyền thuyết các bạn học sinh được học trong chương trình (Truyền thuyết Thánh Gióng với lớp 6 và Truyền thuyết An Dương Vương - Mị Châu, Trọng Thủy với lớp 10). Những kiến thức còn nóng hổi, những cảm xúc vừa được lan tỏa từ bài học còn thơm mùi giấy mới chắc chắn sẽ tạo cho các em học sinh sự khát khao được khám phá và sự thích thú lạ lùng với những gì mình trải nghiệm. Trong một bài báo viết trước thềm chuyến đi của học sinh lớp 6A, các em đã “thú nhận” là mình quá hồi hộp, nôn nóng và dường như không thể chờ nổi đến khi xe lăn bánh. Chuyến đi còn mang đến một thử thách không nhỏ làm tăng thêm niềm háo hức của học sinh. Đó chính là việc Tổ Ngữ văn quyết định tổ chức cuộc thi “Hướng dẫn viên du lịch giỏi” ngay trong chương trình trải nghiệm. Như vậy, để tham dự chuyến đi, mỗi học sinh ngoài việc tự trang bị cho mình những kiến thức lịch sử, địa lý, văn hóa, còn phải thực hành những thao tác tư duy ngôn ngữ để biểu đạt sao cho sâu sắc, hiệu quả những kiến thức của mình. Mục đích của hành trình trải nghiệm không chỉ dừng ở việc tạo ra một môi trường thực tế cho học sinh được nhúng mình vào trong đó. Chuyến đi còn là một hành trình mỗi học sinh tự khám phá những năng lượng và năng lực tiềm ẩn trong bản thân mình. Có như vậy, cả thầy và trò mới thực hiện đúng tôn chỉ và mục tiêu hành động của nhà trường: Học để trưởng thành - Học để tự khẳng định.
Hành trình bắt đầu với điểm đến đầu tiên là Thành Cổ Loa. Di tích lịch sử gắn liến với nhà nước thứ hai sau thời Hùng Vương với chứng tích là những vòng thành Cổ Loa kiên cố, vững chắc, lại gắn liền với câu chuyện tình diễm lệ mà bi thương của Mị Châu - Trọng Thủy đã mang đến những cung bậc cảm xúc mới lạ cho cả học sinh cũng như các thầy cô giáo. Đối với các bạn học sinh lần đầu được đến Thành Cổ Loa, một điều hiển nhiên là bạn nào cũng trầm trồ trước kiến trúc kì lạ, vô cùng thông minh thể hiện trí tuệ của cha ông ta ngày xưa. Các bạn cũng bày tỏ sự thích thú khi được tận mắt vào viếng Am Mỵ Châu, ngắm nhìn phiến đá cụt đầu hay lắng đọng cảm xúc khi chiêm ngưỡng giếng Trọng Thủy, cảm nhận sâu sắc hơn từ những gì mình đã được học trong sách vở. Còn với các thầy cô giáo, đã có thầy cô đã hơn một lần đến thăm nơi đây, thì sự mới lạ là do chính các em học sinh mang lại. Được nghe phần giới thiệu rất đầy đủ, rõ ràng của bạn Trần Ánh lớp 10B hay phần thuyết minh, đối thoại của nhóm các bạn học sinh lớp 10A, có lẽ đó là một trải nghiệm hiếm có của các thầy cô giáo, quý phụ huynh và các bạn học sinh.
Rời thành Cổ Loa, cả đoàn một lần nữa được sống trong cảm xúc háo hức mong chờ khám phá điểm đến thứ hai: Đền Gióng. Trên đường đến, các bạn học sinh đã ồ lên thích thú khi phát hiện những ao hồ liên tiếp nơi đây giống hệt với những điều được kể trong truyền thuyết. Những bụi tre ngà vàng óng càng đưa các bạn như đang đi vào thế giới của những điều kì ảo, không rõ ranh giới giữa thực và mơ. Các bạn hỏi nhau trên xe “Làng Cháy đâu rồi nhỉ?”; “Đâu là nơi Gióng bay về trời?”. Những câu chuyện cứ thế tiếp nối, để rồi cảm xúc dâng trào trong lễ dâng hương tại đền Hạ. Cũng chính tại nơi đây, cuộc thi “Hướng dẫn viên du lịch giỏi” lại được tiếp tục với sự thể hiện xuất sắc của các bạn học sinh lớp 6A, 6B và 6C. Những hướng dẫn viên nhí đã khiến cho các thầy cô giáo, cha mẹ và chính những anh chị hướng dẫn viên chuyên nghiệp trong đoàn phải trầm trồ khen ngợi bởi phần thuyết trình với lượng thông tin lớn được trình bày vô cùng lưu loát, tự tin. Giải nhất hoàn toàn xứng đáng thuộc về bạn Ngọc Linh, lớp 6A trong tiếng vỗ tay chúc mừng và thán phục của toàn thể các thành viên trong đoàn.
Kết thúc hành trình trải nghiệm, khám phá tại Thành Cổ Loa và Đền Gióng, các bạn học sinh đã mang về nhà không chỉ kiến thức hay những trải nghiệm thực tế, mà còn chưa đầy ắp ba lô những tình cảm trân trọng, yêu quý dành cho những di tích lịch sử của đất nước, sự thân thiết gắn bó với bạn bè cũng như tình yêu dành cho văn học. Những hoạt động tiếp theo của chặng đượng “Tìm về nguồn cội dân gian” chắc chắn sẽ được thực hiện đầy say mê và thích thú, chính nhờ những cảm xúc mà chuyến đi mang lại ngày hôm nay.
Bài: ThS. Nguyễn Thanh Thuỷ
Ảnh: Phụ huynh và Học sinh nhà trường
Một số hình ảnh về chuyến đi.