Máu là một dược phẩm quí, cho đến nay chưa vẫn chưa có chất nào thay thế được. Theo ước tính của WHO, nhu cầu sử dụng máu của Việt Nam hiện nay là khoảng 1.600.000 đơn vị máu. Mặc dù số lượng máu hàng năm đều tăng nhưng vẫn còn quá ít so với nhu cầu trong cấp cứu và điều trị bệnh nhân. Loại thuốc đặc biệt này lại chỉ có thể hiến tặng từ chính những người khỏe mạnh, tình nguyện và hiến máu thường xuyên. Vì thế, máu chính là một món quà vô giá mà người hiến máu đã tặng cho người bệnh cần truyền máu để họ có thêm cơ hội chống chọi với bệnh tật.
Hiến máu là nghĩa cử cao đẹp cần đươc duy trì trong cộng đồng. Tất những người ở độ tuổi 18-55 (đối với nữ), 18-60 (đối với nam), cân nặng trên 45kg, không mắc bệnh lý, không bị nhiễm các tác nhân lây qua đường truyền máu, không có hành vi nguy cơ, đều có thể hiến máu. Mỗi năm,mỗi người có thể hiến máu tối đa 3- 4 lần.
Hiến máu không chỉ cứu người mà còn giúp cải thiện tình trạng sức khỏe của người tham gia hiến máu.
Thành phần máu luôn luôn được đổi mới. Vì mỗi tế bào máu có đời sống nhất định (hồng cầu là 120 ngày, tiểu cầu 8-12 ngày…) nên mỗi ngày số lượng tế bào máu bị tiêu huỷ sinh lý do tới giới hạn của đời sống (tương đương khoảng 25-50 ml máu). Tủy xương là cơ quan tạo máu chính, nó sản sinh các tế bào máu mới tương đương với lượng máu bị hủy sinh lý. Khi máu ngoại vi thiếu hụt dưới tác động của cơ chế kích thích tạo máu, tủy xương sẽ tăng sinh gấp 7-8 lần bình thường để tạo ra hồng cầu và các tế bào máu mới. Sau thời gian hiến máu khoảng từ 3-4 tuần các thành phần máu được hồi phục gần như bình thường. Do đó, hiến máu sẽ giúp thay đổi một số lượng tế bào máu già cỗi bằng số lượng tế bào máu mới khỏe mạnh có đời sống dài và đảm bảo tốt hơn các chức năng của máu. Ngoài ra, các kích tố của một số cơ quan nội tiết, thông qua việc kích thích tạo tế bào máu sẽ có ích cho việc chuyển hoá của cơ thể tốt hơn.
Vì vậy, tham gia hiến máu và tích cực vận động mọi người cùng hiến máu thường xuyên không chỉ cứu người mà còn giúp cho chúng ta có điều kiện kiểm tra và tăng cường sức khỏe của bản thân mình.
Hiến máu nhân đạo đang dần trở thành truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, được cả xã hội tôn vinh, ghi nhận.
Nhằm phát huy những giá trị nhân văn của phong trào Hiến máu nhân đạo và hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện (7/4/2020), Công đoàn Trường ĐHSP Hà Nội đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, nhà giáo, người lao động trong các đơn vị tham gia hiến máu tình nguyện. Hoạt động này đã được đông đảo cán bộ, nhà giáo, người lao động tham gia.
Tại Phân hiệu Hà Nam, BCH Công đoàn Phân hiệu đã triển khai ngay sau tinh thần chỉ đạo của Công đoàn trường ĐHSP Hà Nội với thông điệp Hiến máu cứu người – Nghĩa cử cao đẹp.
Sau 10 ngày tuyên truyền, vận động, BCH Công đoàn Phân hiệu đã nhận được 12 lượt đăng kí hiến máu của cán bộ, nhà giáo, người lao động và người thân trong đơn vị. Đến ngày 27/4/2020, tham gia hiến máu tại Hôi chữ Thập đỏ tỉnh Hà Nam, có 8 cán bộ, nhà giáo, người lao động và người thân. Đó là thầy giáo Trương Mạnh Tiến, Đàm Công Ích, Nguyễn Thế Phương; cô Ngô Thanh Dung, Nguyễn Thị Hải Thịnh, Hoàng Thị Phượng, Ngô Thị Hường. 4 thầy cô khác nhóm máu B sẽ được tiếp nhận máu vào đợt sau (do điều kiện dịch bệnh COVID 19, Ban chỉ đạo hiến máu cơ sở chỉ tiếp nhận 2 nhóm máu O và A). Trong đợt hiến máu này, tham gia đoàn hiến máu của Phân hiệu có một thành viên rất đặc biệt. Đó la bạn Đỗ Minh Khang, con trai cô giáo Nguyễn Thị Hải Thịnh. Mặc dù nghỉ học ở nhà do dịch COVID 19 nhưng Khang vẫn rất tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện tại địa phương.
Mặc dù dịch bệnh nhưng truyền thống Hiến máu nhân đạo của Phân hiệu Hà Nam vẫn tiếp tục được duy trì và phát huy tốt. Có thể kể đến những gương mặt tiêu biểu trong phong trào này là: cô giáo Đoàn Thị Thanh Trầm, thầy giáo Trương Mạnh Tiến, thầy giáo Đàm Công Ích (đã tham gia hiến máu trên 10 lần); các thầy cô giáo: Trương Quang Thiệp, Nguyễn Thế Phương, Phạm Thị Thanh Hải, Nguyễn Thị Hải Thịnh, Trương Thị Luyện, Hoàng Thị Phượng, Ngô Thị Hường, Nguyễn Thị Huyền, Trần Thị Minh Thu….(đã tham gia hiến máu từ 4 - 8 lần). Giữ danh hiệu Người hiến máu nhiều nhất Phân hiệu (cho đến nay) là thầy giáo Trương Mạnh Tiến (23 lần). Với thành tích này, thầy đã được tôn vinh toàn quốc (năm 2009) và nhận Giải thưởng Karl Landsteiner (năm 2014).
Đối với các thầy cô sau mỗi lần hiến máu, cảm xúc vẫn vẹn nguyên như lần đầu tiên. Đó là niềm vui khi đươc chia sẻ những giọt máu lành đến nhiều người bệnh đang cần đươc cứu chữa.
Xin được cúi đầu trước những hành động đẹp này và mong rằng tinh thần Cho đi sẽ lan tỏa và Còn mãi!
Bài: TS. Trần Thị Thanh Thủy
Dưới đây là một số hình ảnh của các thầy cô tham gia hiến máu: