Ngày 25/12/2017 Phân hiệu Trường ĐHSP Hà Nội tại tỉnh Hà Nam đã được thành lập theo Quyết định số 5744/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Với xứ mạng hoa tiêu trên hành trình đổi mới, Trường ĐHSP Hà Nội mong muốn chia sẻ và lan tỏa ý tưởng mới về những mô hình giáo dục thành công, những giá trị cốt lõi của giáo dục theo tinh thần đổi mới và sáng tạo, Ban Giám hiệu Trường ĐHSP Hà Nội đã chỉ đạo Ban Giám đốc Phân hiệu, các đơn vị trực thuộc Phân hiệu Trường ĐHSP Hà Nội tại Hà Nam khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định trong đề án. Với quyết tâm cao cùng với tinh thần sáng tạo, đi trước đón đầu nên chỉ trong 1 thời gian ngắn cùng với việc ổn định bộ máy tổ chức; xây dựng mô hình, xác lập phương thức hoạt động, Phân hiệu Trường ĐHSP Hà Nội tại tỉnh Hà Nam đã đưa Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành và Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành vào hoạt động đúng kế hoạch và đạt được mục tiêu đề ra. Một mô hình mới về trường Tiểu học chất lượng cao bước đầu đã có nhiều tín hiệu tích cực về quản trị, hoạt động giáo dục, đo lường, thúc đẩy sự tiến bộ của học sinh.
Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành được xây dựng và phát triển theo mô hình giáo dục tiên tiến, hướng tới giáo dục phân hóa, phát triển năng lực của từng học sinh (HS). Vì vậy, trong chương trình giáo dục của nhà trường, HS được học 2 buổi/ngày, 6 ngày/tuần. Ngoài Toán, Tiếng Việt, các môn tinh hoa (tiếng Anh, tin học) và các môn đặc thù (âm nhạc, mĩ thuật, thể chất) cũng được tăng cường. Trong các giờ học, thông qua việc kích thích các giác quan và tư duy khoa học, hình thành được cho HS thói quen tự học, hứng thú khám phá, tìm hiểu và tự giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Hình thức tổ chức các hoạt động học tập được thiết kế theo mô hình của thuyết “Trí thông minh đa dạng” đáp ứng được các phong cách học tập khác nhau của HS. Đặc biệt, là sự hình thành các câu lạc bộ theo sở thích, năng khiếu của HS đã khơi dạy cảm xúc nghệ thuật; phát huy được năng khiếu tiềm ẩn của mỗi HS về âm nhạc, hội họa và thể thao. Trong những ngày đầu tháng 8/2018, HS khối lớp 1 có cơ hội trải nghiệm nhiều hoạt động lí thú, bổ ích như: đọc truyện diễn cảm, tập kể chuyện, đóng vai nhân vật trong truyện; trò chơi dân gian; rèn kỹ năng sống theo các chủ đề (giáo dục môi trường, giao tiếp trong trường học, một số kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng làm việc nhóm, ý thức tập thể, dám chịu trách nhiệm về bản thân…).
Để hiện thực hóa được các mục tiêu giáo dục, công tác bồi dưỡng đội ngũ trong nhà trường luôn được coi trọng. Ngoài Ban Giám hiệu và các bộ phận chức năng, tham gia giảng dạy tại Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành có 10 giáo viên dạy văn hóa và 5 giáo viên phụ trách các câu lạc bộ năng khiếu. Các giáo viên đều đạt trên chuẩn, được tuyển chọn kĩ lưỡng và tập huấn chuyên môn thường xuyên. Vì vậy, đội ngũ giáo viên của nhà trường vừa có trình độ chuyên môn vững vàng vừa có sự kết hợp hài hòa giữa giáo viên trẻ ưu tú, nhiệt huyết và những giáo viên giàu kinh nghiệm. Trong thời gian qua, Hội đồng sư phạm đã thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp dạy học và sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng “Nghiên cứu bài học”. Mỗi giáo viên được phân công dạy minh họa 1 tiết/tuần. Các cuộc họp giao ban hàng tuần cũng đồng thời là dịp trao đổi chuyên môn thiết thực để kịp thời điều chỉnh cách dạy, cách học đối với mỗi giáo viên. Tháng 11/2018, tháng chào mừng kỉ niệm 36 năm Ngày Nhà giáo Việt nam chính là dịp sinh hoạt chuyên môn cao điểm, giáo viên mỗi lớp đã tiến hành thao giảng 2 tiết Toán, 2 tiết Tiếng Việt theo nhiều chủ đề và kiểu bài dạy khác nhau. Phần lớn các giờ dạy đều đạt chất lượng chuyên môn tốt, thể hiện đậm nét nhiệt huyết, tình yêu nghề và sự sáng tạo của giáo viên. Giờ Hội giảng cũng cho thấy một không khí học tập tích cực, sôi nổi, hào hứng của các HS. Quá trình giáo dục đã cho kết quả bước đầu. HS biết đọc được những tiếng đơn giản, biết viết chữ đẹp, đúng quy cách, biết tính toán nhanh, biết liên hệ giải quyết nhiều tình huống xảy ra trong cuộc sống hàng ngày.
Bên cạnh chuyên môn, các hoạt động bổ trợ khác cũng được Trường Tiểu học chú trọng. Phụ trách đưa đón HS từ nhà đến trường trên 3 xe ô tô là các thầy cô giáo tâm huyết, trách nhiệm. Thời gian trên xe cũng là thời gian HS được giao lưu với nhiều bạn mới, vui chơi sau những giờ học căng thẳng và được học nhiều điều bổ ích: biết chào hỏi bác tài xế, thầy, cô và bạn bè khi lên xuống xe, biết chia sẻ, giúp đỡ các bạn khi khó khăn, hình thành kĩ năng tham gia giao thông khi qua đường, ứng phó trong tình huống gặp người lạ đến đón…
Thực đơn của HS bán trú được thay đổi theo mùa, đảm bảo không trùng lặp các món ăn trong mỗi tuần. Bữa ăn trưa cũng là lúc HS được nghe giới thiệu về các món ăn, lợi ích của mỗi món. Thông qua những bữa ăn tập thể, HS đã hình thành được thói quen rửa tay trước và sau khi ăn, không lãng phí đồ ăn, biết tiết kiệm thức ăn còn thừa, tự dọn dẹp và chuẩn bị chỗ nghỉ trưa của bản thân mình và giúp đỡ bạn bè. Nội dung giáo dục còn được chuyển tải theo các câu chuyện trước giờ ngủ trưa. Do đó, sức khỏe và tinh thần của HS khối lớp 1 được chăm lo chu đáo. Sau những ngày đầu hoạt động của nhà trường, ấn tượng nhất đối với phụ huynh HS chính là sự tận tâm của tất cả các thầy, cô giáo, nhất là đối với những HS nhút nhát, lần đầu tiên xa bố mẹ trong thời gian dài, HS ăn chậm, HS chưa tự chủ được vệ sinh cá nhân…Vì thế, các dịch vụ bổ trợ này được cả HS và phụ huynh HS đánh giá cao. Số HS đăng kí xe ô tô đưa đón và ăn bán trú tại trường đều tăng lên so với những ngày đầu. Đến nay, trong tổng số 119 HS khối 1, số học sinh ăn bán trú đã đạt 97,5% (116 HS). Điều đó đã cho thấy, nhà trường đã nhận được sự tin cậy của các phụ huynh học sinh trên địa bàn.
Những kết quả bước đầu này, dù chưa trọn vẹn, song những thông tin phản hồi từ cha mẹ học sinh về sự hứng khởi mỗi khi tới trường của các con, những thay đổi tiến bộ qua từng tuần học và cả những hình ảnh đẹp về sự săn sóc ân cần các thầy cô đối với HS hàng ngày mà mỗi phụ huynh cảm nhận được đã khắc bước đầu khắc họa sinh động về một môi trường giáo dục tiến bộ đáp ứng được sự kỳ vọng của xã hội và nhân dân Hà Nam.
Bài: TS. Trần Thị Thanh Thuỷ - Ảnh: ThS. Nguyễn Thế Phương